Vịt nấu chao là một trong những món ngon đặc sản của miền Tây sông nước. Tuy nhiên một số bạn rất ngại làm món này vì nếu làm không kỹ sẽ bị tanh mùi lông vịt ăn sẽ không ngon. Hôm nay Bếp Tâm sẽ chia sẻ với các bạn cách làm vịt nấu chao không bị hôi lông để các bạn có thể tự làm cho gia đình mình nhé!
1. Nguyên liệu làm vịt nấu chao
– Thịt vịt đã làm sẵn: 1,5 ký
– Bún tươi: 1 ký
– Khoai môn: 500gr
– Rau mồng tơi + Rau muống: 500gr
– Hành lá: 20gr
– Gừng, hành tím, ớt, tỏi: 50gr mỗi loại
– Nước lọc: 1 lít
– Nước dừa tươi: 1 trái cỡ 500ml
– Chao môn: 8 muỗng canh
– Đường phèn: 1 muỗng canh
– Hạt nêm ADC: 2 muỗng canh
– Nước mắm cá cơm của ADC: 1 muỗng canh
– Màu dầu điều: 2 muỗng canh
– Muối: 1 muỗng canh
– Rượu trắng: 2 muỗng canh
2. Các bước làm vịt nấu chao
– Bước 1: Cách khử mùi hôi lông của vịt
Gừng gọt vỏ rửa sạch, 1 phần băm nhuyễn, 1 phần đem đập dập để rửa vịt.
Chuẩn bị 1 cái thau, cho vịt đã làm sẵn vào, cho 2 muỗng canh rượu trắng vào, thêm 1 muỗng canh muối hạt và phần gừng đã đập dập vào. Đảo đều vịt và dùng gừng chà sát lên da vịt trong khoảng 5-10 phút là được.
Sau đó đem rửa sạch với nước, cho ra rổ để cho rỏ nước rồi đem vịt đi chặt thành từng miếng nhỏ vừa ăn.
– Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu khác
Tỏi, ớt, hành tím đem đi băm nhuyễn, sau đó cho ra đĩa chung với phần gừng đã băm nhuyễn lúc nãy. Hành lá lột vỏ rửa sạch, để riêng xíu dùng sau.
Khoai môn đem gọt vỏ, cắt thành từng miếng lớn sau đó chiên sơ các mặt hơi vàng sau đó vớt ra giấy đĩa có giấy thấm dầu.
Rau mồng tơi với rau muống đem đi rửa sạch, cắt bỏ những phần gốc đã già đi.
– Bước 3: Ướp thịt vịt
Cho 1 nửa phần tỏi, hành tím, ớt và gừng đã băm nhuyễn vào phần thịt vịt đã chặt. Cho thêm vào 1 muỗng canh đường phèn, 8 muỗng chao đã chuẩn bị vào. Đeo bao tay vô và trộn đều thịt vịt với gia vị. Ướp thịt vịt 1 tiếng cho thấm gia vị.
– Bước 4: Hầm thịt vịt
Cho dầu ăn vào chảo, đun nóng rồi cho hết phần hành tím, tỏi, ớt và gừng băm còn lại vào. Phi cho thơm thì cho phần vịt đã ướp vào. Đảo đều cho vịt xăn lại hết thì cho 500ml nước dừa vào. Đổ thêm 1 lít nước. Đậy nắp lại, nấu trên lửa lớn đến khi nước sôi thì hạ lửa nhỏ, nấu tiếp 30 phút cho thịt vịt chín.
Sau khi hầm vịt được 30 phút thì cho 2 muỗng canh hạt nêm vào, thêm 1 muỗng canh nước mắm, cuối cùng cho khoai môn vào và hầm tiếp 10 phút cho khoai môn chín.
Khi vịt và khoai môn đã chín thì các bạn cho hành lá và ớt lên mặt và thưởng thức.
Món vịt nấu chao này các bạn dùng chao để chấm luôn nhé!
Trên đây là cách làm vịt nấu chao miền Tây, ngoài ra còn nhiều công thức làm món vịt ngon nữa, theo dõi chúng tôi tại Fanpage – Bếp Tâm – Nấu ăn là hạnh phúc để cập nhật thêm nhiều công thức nấu ăn ngon nữa.
3. Cách bảo quản món vịt nấu chao
Với nồi vịt nấu chao khá nhiều nên đôi khi bạn sẽ không dùng hết, vì vậy cần có cách bảo quả để có thể ăn thêm 1 bữa nữa. Nếu sau khi ăn vẫn còn thì bạn cần vớt thịt vịt ra cái tô riêng và dùng màng co quấn lại, để trong ngăn mát tủ lạnh. Phần nước các bạn có thể để trong nồi hoặc cho ra tô riêng rồi cho vào ngăn mát để bảo quản.
Vịt nấu cho nên ăn trong ngày hoặc dùng trong vòng 12 giờ, không nên để quá lâu sẽ không tốt cho sức khỏe.
4. Giá trị dinh dưỡng của nồi vịt nấu chao vừa làm
Thịt vịt là loại thịt có giá trị dinh dưỡng cao (hơn cả thịt gà). Giá trị dinh dưỡng của 1,5 ký thịt vịt vừa nấu:
– Năng lượng: 4005 Kcal
– Chất béo: 76,65g
– Protein: 186,9g
– 798g cholesterol và vitamin
Thịt vịt được coi là loại thuốc bổ điều hòa ngũ tạng, lợi thủy, trừ nhiệt, bổ hư. Thịt gà ngọt, mềm có tính ấm, dễ tiêu hóa; thịt vịt mặn, dai có tính hàn nhưng tanh và khó tiêu hơn. Vì vậy không nên ăn thịt vịt vào buổi tối hoặc lúc cơ thể bị yếu.
Xem thêm: Cách làm gà hấp nước mắm siêu ngon
_________________________________________________________________