Món cà ri vịt chấm bánh mì là món ruột của nhiều bạn hồi nhỏ. Món cari vịt như một món đặc sản với tuổi thơ nhiều người vì nó chỉ có trong những dịp giỗ, tết mà thôi. Cùng Bếp Tâm vào bếp để học cách nấu cari vịt ngon để từ rài về sau bạn có thể tự nấu tại nhà bất cứ lúc nào.
I. CÁCH NẤU CÀ RI VỊT CỦA MẸ BA
1. Nguyên liệu cần chuẩn bị cho món cà ri vịt
Để nấu món cari vịt, các bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu sau đây:
Stt | Tên nguyên liệu | Số lượng |
1 | Thịt vịt | Nửa con (cỡ 1 ký) |
2 | Khoai lang mật | Nửa ký |
3 | Khoai môn | 0.7 ký |
4 | Sả | 9 cây |
5 | Tỏi | 50 gram |
6 | Hành tím | 50 gram |
7 | Ớt sừng | 1 trái to |
8 | Gừng tươi | 1 nhánh |
9 | Gói nấu cà ri | 25 gram |
10 | Bịch nấu cà ri mua ở chợ | 1 bịch |
11 | Nước cốt dừa (hoặc sữa Aristo) | 1 lít (1 hộp) |
12 | Nước dừa tươi | 1 lít |
Các gia vị để nêm: muối, đường, hạt nêm ADC, …
2. Cách nấu cari vịt ngon của mẹ Ba
– Bước 1: Cắt hành, tỏi, ớt, sả
Sả đập dập, cắt khúc cỡ 10 cm. Gừng gọt vỏ, cắt lát mỏng. Củ hành tím và ớt cắt lát mỏng, tỏi đập dập, cắt làm đôi (xem hình minh hoạ bên dưới).
– Bước 2: Sơ chế khoai lang, khoai môn và thịt vịt
Khoai lang gọt vỏ, cắt thành từng miếng lớn. Khoai môn cũng làm tương tự như khoai lang.
Chú ý: Khi gọt khoai các bạn nên cho vào thau nước có vắt tý nước cốt chanh để khoai không bị đen.
Vịt các bạn cho vào 1 cái thau, cho thêm tý rượu trắng và gừng đập dập vào, dùng tay chà sát gừng lên da vịt cho vịt không bị hôi lông. Sau đó mang vịt đi rửa sạch, chặt thành từng miếng lớn (cỡ 3 ngón tay chụm lại), cho vào thau để ướp.
– Bước 3: Ướp thịt vịt
Cho hết bịch nấu cari vào thau thịt vịt đã chặt, thêm 1 nửa phần củ hành, tỏi, sả, ớt vào, trộn đều. Sau đó cho gói nấu cari vào, thêm 2 muỗng đường, 2 muỗng hạt nêm, 1 muỗng muối vào. Trộn đều lên, ướp trong vòng 2 tiếng hoặc để qua đêm trong ngăn mát tủ lạnh.
– Bước 4: Thắn màu cari
Cho dầu ăn vào chảo, sau đó cho 1 muỗng hạt cari vào thắng cho ra màu. Sau đó vớt hết hạt cari ra, lấy dầu ra bớt, chừa lại 1 nửa, sau đó cho khoai lang và khoai môn vào chiên sơ qua. Mục đích là để khi nấu khoai không bị vỡ.
– Bước 5: Xào thịt vịt trước khi nấu cari
Cho 1 nửa phần dầu còn lại vào chảo. Cho phần củ hành, tỏi, ớt, sả còn lại vào xào sơ, sau đó cho phần thịt vịt đã ướp 2 tiếng (hoặc qua đêm) vào. Xào sơ khoảng 5 phút cho thịt săn lại.
– Bước 6: Cách nấu cari vịt ngon
Thịt vịt sau khi đã xào xong, các bạn cho vô 1 cái nồi lớn hơn để nấu. Cho 1 lít nước dừa vào (chừa phần nước cốt dừa lại để vô sau) nấu khoảng 20 phút khi thịt vịt vừa chín tới thì cho phần khoai vào, nấu tiếp khoảng 10 phút cho khoai chín. Nêm nếm lại cho vừa ăn. Sau đó cho phần nước cốt dừa vào. Tắt bếp.
Và đây là thành quả của chúng ta, món cari vịt của Cô Ba đã nấu xong rồi, giờ chúng ta cho ra cái tô, thêm 1 ổ bánh mì nữa là ngon khỏi chê nha. Hồi nhỏ tới đám giỗ mình chỉ thích được Cô Ba nấu món này thôi, nguyên cái đám giỗ mà đám con nít tụi mình chỉ ăn mỗi cari trong khi đó còn 5-7 món khác nữa mà không đứa nào thèm ăn. Các bạn làm thử đi nhé, chúc các bạn nấu món này thành công nha. À, cà ri nấu xong mà có vị ngọt, béo là thành công rồi đó.
3. Cách ăn cari vịt tại nhà
Món cà ri vịt thường ăn chung với bánh mì và muối ớt chanh. Để làm muối ớt chanh chấm thịt vịt nấu cari, các bạn cần chuẩn bị 2 trái ớt chín, sau đó cho vào cối, cho thêm 2 muỗng canh muối hạt và giã nhuyễn. Sau đó vắt ¼ nước cốt chanh vào. Vậy là bạn đã có loại nước chấm cari vịt ngon tuyệt rồi.
>>Xem thêm: Cách làm sườn xào chua ngọt thơm ngon rất bắt cơm
II. CÁCH NẤU CARI VỊT CỦA BÁC TÁM
Với cách nấu nấu cà ri vịt của Bác Tám thì các nguyên liệu đơn giản hơn nhưng ngon chẳng thua gì cách nấu của Cô Ba ở trên. Cách nấu của Bác Tám không dùng khoai môn nhưng dùng củ hành tây nên rất thơm và ngon. Cùng tìm hiểu cách nấu cà ri vịt của Bác Tám ngay nào!
1. Các nguyên liệu cần chuẩn bị
– Nửa con vịt đã làm sẵn.
– Khoai lang mật: nửa ký
– Nước cốt dừa: 400ml
– Nước dừa tươi: 1 lít
– Sả cây: 2 cây
– Tỏi: 3 tép tỏi băm
– Hành tây: 1 củ cắt múi cau
– Hành tím: 3 củ hành tím băm
– Bột cà ri: 1 bịch 25gram
– Dầu màu điều: 2 muỗng canh
– Gia vị: đường, muối, bột ngọt, hạt nêm thịt hầm ADC, …
2. Cách làm vịt nấu cà ri của Bác Tám
– Bước 1: Sơ chế và ướp thịt vịt
Rửa vịt: vịt sau khi mua về, các bạn dùng gừng băm nhuyễn trộn với giấm, muối và chà sát lên vịt, sau đó rửa sạch lại bằng nước, để ráo và đem vịt đi chặt thành từng miếng lớn.
Cho vào phần thịt vịt đã chặt 3 muỗng cafe hạt nêm thịt hầm ADC, 1 xíu bột ngọt, nửa muỗng café muối, ½ muỗng canh đường, ½ bịch bột cà ri, 2 muỗng canh dầu màu điều. Sau đó trộn đều các gia vị với thịt vịt. Để đó 30 phút cho vịt thấm gia vịt mới mang đi nấu cari.
– Bước 2: Chiên khoai lang
Trong khi chờ đợi thịt vịt thấm gia vị thì chúng ta đi chiên sơ khoai lang. Khoai lang sau khi đã gọt vỏ và cắt thành từng khúc nhỏ vừa ăn thì cho lên chảo, chiên sơ 2 mặt. Sau đó cho ra 1 cái thau, cho 1 nửa bịch bột cà ri còn lại vào khoai lang, thêm 2 muỗng café hạt nêm ADC, đảo đều lên để cho nó ngấm.
– Bước 3: Xào thịt vịt
Cho 1 cái nồi lớn lên bếp, cho thêm chút dầu ăn, sau đó cho phần sả, hành tím, tỏi băm vào. Xào sơ qua rồi cho phần thịt vịt đã ướp vào. Dùng đũa đảo đều cho thịt vịt xăn lại. Xào được 5 phút thì cho 1 lít nước dừa tươi vào. Đậy nắp lại vào nấu cho thịt mềm.
– Bước 4: Cách nấu cari vịt
Nấu khoảng 30 phút đến khi vịt đã nổi lên tức là vịt đã chín. Lúc này cho phần khoai lang đã ướp gia vị vào. Sau đó nêm lại cho vừa ăn. Phần nước cốt dừa thì thêm 1 muỗng canh bột bắp vào, khuấy đều. Khi khoai lang đã mềm thì thêm 3 trái ớt vào. Cuối cùng là cho phần nước cốt dừa vào, thêm phần củ hành tây cắt múi vào, nấu thêm 5 phút thì tắt bếp.
Trên đây là cách nấu cà ri vịt của Bác Tám, mỗi lần sang nhà bác đều nấu cho mình ăn. Nhìn cách nấu của Bác Tám rất đơn giản mà lại ngon vô cùng luôn. Món cari vịt này ngon nhất khi ăn kèm với bánh mì không.
III. GIÁ TRỊ DINH DƯỠNG CỦA THỊT VỊT
Thịt vịt có giá trị dinh dưỡng rất cao. Theo nghiên cứu, thì trong 1 ký thịt vị có 250 gram protein. Cao hơn so với hàm lượng protein có trong 1 ký thịt bò (215 gram), 1 ký thịt heo (165 gram). Ngoài ra, hàm lượng các chất dinh dưỡng như canxi, phốt pho, sắt, vitamin (B1, B2, A, D, E), acide nicotic… rất cao.
Theo y học cổ truyền Phương Đông, thịt vịt có tính mát, có tác dụng tư âm, dưỡng vị. Sách Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân ghi: Thịt vịt chữa các chứng bệnh tiểu tiện bất lợi, nhiệt bệnh, hư lao, bổ ngũ tạng và thủy đạo. Nên chọn các loại vịt đực đầu xanh hoặc vịt lông trắng, xương đen, mỏ đen càng tốt. Do thịt vịt có tính hàn, tác dụng bổ âm nên những người dương hư tỳ nhược, ngoại cảm chưa khỏi hẳn tạm thời chưa nên ăn. Thịt vịt có vị ngọt, hơi mặn, tính hàn, tác dụng tư âm, dưỡng vị, giải độc.
IV. BẢO QUẢN CÀ RI VỊT SAU KHI NẤU
Món cà ri vịt sau khi nấu nên ăn ngay mới ngon. Trường hợp nếu ăn không hết thì các bạn nên cho ra tô để bảo quản. Cách bảo quản cari vịt như sau:
- Lấy hết thịt vịt ra 1 cái tô, dùng màng bọc thực phẩm bọc lại.
- Cho phần nước cari ra 1 cái tô riêng, dùng màng bọc thực phẩm bọc lại.
- Cho 2 tô và ngăn mát tủ lạnh để bảo quản.
- Khi ăn thì cho tô nước cari ra nấu sôi thì cho tô thịt vịt vào.
Nên dùng cari vịt trong vòng 24 giờ từ khi nấu xong. Khi ăn các bạn nên cho cari ra chén hoặc tô để ăn, không khuấy quá nhiều trong nồi làm hỏng nồi cari.
Trên đây là 2 cách nấu cà ri vịt, giá trị dinh dưỡng của thịt vịt và cách bảo quản cari vịt sau khi nấu. Mặc dù thịt vịt có giá trị dinh dưỡng cao nhưng do thịt vịt có tính hàn, vì vậy khi ăn thịt vịt cần lưu ý một số điều cần tránh ở trên. Mong rằng bài viết cung cấp kiến thức về món ăn cho các bạn. Chúc các bạn nấu ăn thành công!
>>Các bạn có thể mua các sản phẩm chất lượng của ADC Foods tại Shopee Thực phẩm ADC Foods
>>Tham gia Group Món Ngon Dễ Làm để cập nhật thêm nhiều công thức nấu ăn ngon